Doanh nghiệp cần làm những gì sau khi đã nhận được đăng ký kinh doanh? Các thủ tục phải thực hiện và thời hạn thực hiên theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 sau khi có đăng ký kinh doanh như sau:
-
Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 32 Luật doanh nghiệp 2020, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập hoặc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải công bố nội dung đăng ký kinh doanh trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, doanh nghiệp có thể bị phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng và buộc phải công bố nội dung đăng ký kinh doanh trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo quy định.
-
Khắc dấu con dấu công ty
Theo Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020, con dấu của doanh nghiệp bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014 thì trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật doanh nghiệp 2020 lại không còn quy định về việc Thông báo mẫu dấu trước khi sử dụng nên doanh nghiệp sau khi làm con dấu có thể sử dụng luôn mà không cần phải Thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh
-
Làm biển công ty và treo tại trụ sở
Sau khi thành lập, Doanh nghiệp phải tiến hành làm biển công ty và gắn tại trụ sở chính của doanh nghiệp và tại chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có). Trường hợp không thực hiện, doanh nghiệp bị phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng và buộc phải gắn tên doanh nghiệp theo quy định. Pháp luật hiện nay chưa có quy định cụ thể hình thức và nội dung của biển công ty, tuy nhiên các doanh nghiệp thường lựa chọn biển có các nội dung sau: Tên công ty, địa chỉ trụ sở, mã số thuế/mã số doanh nghiệp, logo công ty, số điện thoại, Website, email (nếu có),….
-
Đăng ký chữ ký số và nộp tờ khai thuế ban đầu
Theo Điểm 4 Luật số 21/2012/QH13 bổ sung thêm Khoản 10 vào Điều 7 của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11, kể từ ngày 1/7/2013, các doanh nghiệp đóng trụ sở tại các tỉnh/thành phố có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin bắt buộc kê khai thuế qua mạng. Chính vì vậy mà việc đăng ký sử dụng chữ ký số là việc làm rất cần thiết sau khi thành lập doanh nghiệp. Chữ ký số được hiểu là một thiết bị kê khai thuế điện tử của doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể sử dụng chữ ký số để kê khai thuế qua mạng, kê khai hải quan điện tử; ký email, văn bản điện tử hoặc đăng ký giao dịch ngân hàng điện tử, chứng khoán điện tử. Đây được xem là thiết bị không thể thiếu để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kê khai thuế.
-
Mở tài khoản ngân hàng và Đăng ký nộp thuế điện tử
Cũng giống như cá nhân, mỗi doanh nghiệp cũng cần phải có tài khoản riêng để thực hiện các giao dịch mang tên doanh nghiệp, vì theo quy định của Luật Thuế, đối với những hợp đồng có giá trị từ 20.000.000 trở lên, doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện thanh toán/nhận thanh toán thông qua hình thức chuyển khoản. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng tài khoản ngân hàng để nộp thuế điện tử cho công ty. Vì vậy, sau khi thành lập doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục mở tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp và thông báo về việc sử dụng tài khoản ngân hàng với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế (nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính).
-
Đăng ký sử dụng hóa đơn
Trong trường hợp Doanh nghiệp mới thành lập và đủ điều kiện đăng ký kê khai thuế GTGT theo Phương pháp khấu trừ và đáp ứng đủ các điều kiện theo luật định thì sẽ được đăng ký sử dụng hóa đơn. Hiện nay, có 2 loại hóa đơn chính đó là hóa đơn giấy (hóa đơn đặt in) và hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định 119/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2018, việc thực hiện hóa đơn điện tử sẽ phải thực hiện đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh chậm nhất là ngày 01 tháng 11 năm 2020.
-
Thực hiện góp vốn theo cam kết
Luật doanh nghiệp 2020 đã quy định về thời hạn góp vốn đối với mỗi loại hình doanh nghiệp 90 ngày kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp. Nếu quá thời hạn kể trên và doanh nghiệp chưa góp đủ số vốn đã đăng ký thì phải tiến hành thủ tục thay đổi vốn điều lệ theo đúng số vốn thực tế đã góp. Trường hợp không góp đủ và đúng hạn số vốn đã đăng ký, doanh nghiệp bị phạt từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng và buộc đăng ký giảm vốn điều lệ đối với công ty TNHH hai thành viên (sau đây gọi tắt là công ty TNHH 2 TV) trở lên, hoặc buộc góp đủ số vốn như đã đăng ký đối với các loại hình doanh nghiệp khác.